Thông tin
Chăm Sóc Cây Bơ Giai Đoạn Trái Non
Để cây bơ cho giá trị kinh tế cao, cần chú ý kỹ thuật chăm sóc cây theo từng giai đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn cây bơ ra trái non.
Ngoài vấn đề về dinh dưỡng, bơ còn là một loại trái cây khá an toàn, do có vỏ dày nên hạn chế được các loài sâu hay côn trùng chích hút, thuốc bảo vệ thực vật rất ít được dùng cho cây bơ.
Vào tháng 7 hàng năm, đây là thời điểm mưa nhiều, cây bơ cũng bắt đầu ra trái non. Việc chăm sóc dinh dưỡng cây bơ đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng năng suất cũng như hương vị của trái bơ.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường – Trưởng Bộ môn nghiên cứu cây ăn quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên lưu ý nhà vườn về quy trình dinh dưỡng cho cây bơ trong giai đoạn ra trái non, như sau:
Nhiều nhà vườn thường thắc mắc trong giai đoạn này trái bơ rụng nhiều. Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường thì, ngoài yếu tố sâu bệnh hại thì cây bơ còn chịu ảnh hưởng từ chế dộ dinh dưỡng cho cây.
Trong giai đoạn này, lưu ý không bón phân đạm cho cây. Do cây có 2 thời kỳ: thời kỳ sinh trưởng và cây phát triển đọt non; thời kỳ cây mang hoa, ra hoa, đậu quả. Do đó, nếu bón đạm trong giai đoạn này sẽ kích thích cây ra quả non và rụng quả.
Cây bơ thường ra quả rất nhiều, nên nhu cầu dinh dưỡng của cây rất lớn để nuôi quả. Theo đó, từ đầu đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, nhà vườn bón phân cho cây như sau:
- NPK với tỷ lệ 8.16.16+13S (nghĩa là 8% N, 16% P2O5, 16% K2O và 13% S).
- Bón thêm phân vi lượng như Magiê giúp cho quả nặng hơn, năng suất cao hơn. Lưu ý: trong giai đoạn này hạn chế bón phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ. Thời điểm bón phân hữu cơ là ngay sau khi thu hoạch trái xong, khi cây đang mang quả thì không nên bón vì sẽ làm cây bị đứt rễ.
Về phòng tránh sâu bệnh hại trong giai đoạn cây bơ mang quả, theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường thì, thời gian từ đầu tháng 7 đến tháng 10 là vào mùa mưa, độ ẩm cao, dịch bệnh phát sinh nhiều. Để hạn chế mầm bệnh, nhà vườn nên tỉa cành, tạo tán thông thoáng cho vườn cây ngay sau khi thu hoạch trái xong.